Theo nội dung văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TPHCM (Bến Thành- Tham Lương), UBND TPHCM kiếm nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, quyết định gia hạn thời gian thực hiện dự án đến năm 2020.
Việc này nhằm làm cơ sở gia hạn các Hiệp định vay của các khoản vay hiện tại, tổ chức triển khai thực hiện một số hạng mục công việc, gói thầu của dự án theo cam kết với các Nhà tài trợ.
Về phí cam kết phát sinh sau khi gia hạn các Hiệp định vay đã ký, UBND TPHCM cam kết trả toàn bộ phí phát sinh. Riêng các khoản vay từ Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), TP sẽ chi trả phí cam kết và lãi suất từ nguồn vốn đối ứng của Dự án sau khi ngạch tài trợ phí cam kết, lãi của các khoản vay được sử dụng hết.
Cũng trong văn bản gửi Thủ tướng, TP.HCM cho biết sẽ không sử dụng khoản vay của ADB để đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án. Dự kiến, UBND sẽ bố trí vốn ngân sách thành phố để triển khai thực hiện hạng mục này.
Lộ trình tuyến metro số 2. Ảnh: Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM.
Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) là một trong 8 tuyến metro đã được phê duyệt tại TP HCM. Tổng chiều dài toàn tuyến gần 20 km (Thủ Thiêm - Bến xe Tây Ninh), chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn một dài 11,3 km (Bến Thành - Tham Lương) đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Trong đó có 9,3 km đi ngầm với độ sâu trung bình 18 m. Toàn tuyến có 10 ga ngầm và một ga trên cao, tổng vốn đầu tư được duyệt là hơn 1,3 tỷ USD (hơn 26.110 tỷ đổng) được hợp vốn từ 3 nhà tài trợ gồm: 540 triệu USD từ ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); 313 triệu USD từ ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và 195 triệu USD từ ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).
Giai đoạn 2 sẽ thực hiện khi có đủ vốn
Trước đó, tuyến dự kiến khởi động vào năm 2013. Tuy nhiên đến năm 2015, tức 2 năm sau phải điều chỉnh thiết kế và đội vốn lên tới 2,19 tỉ USD. Và đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai.
Như vậy, trong trường hợp kiến nghị được chấp thuận, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương sẽ chậm hơn 7 năm so với dự kiến ban đầu.